Mô hình trồng thử nghiệm cây Chùm Ngây cho hiệu quả kinh tế cao

Admin
20, March, 2017

Mô hình trồng thử nghiệm cây Chùm Ngây cho hiệu quả kinh tế cao

Nhằm nghiên cứu, đánh giá khả năng thích nghi cũng như hiệu quả kinh tế từ trồng cây Chùm Ngây trên đồng đất Vĩnh Phúc, năm 2013, Kỹ sư Nguyễn Quang Hùng, Viện Nghiên cứu và phát triển vùng, Bộ Khoa học – Công nghệ đã đưa vào trồng thử nghiệm hơn 400m2 cây Chùm Ngây tại xã Liên Châu (Yên Lạc), bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), cây Chùm Ngây hay ba đậu dại, là loài thực vật thân gỗ phổ biến nhất trong Chi Chùm Ngây (tên khoa học là: Moringa), xuất xứ từ vùng Nam Á. Trong tự nhiên cây mọc hoang, nhưng hiện tại đang được trồng, khai thác, sử dụng nhiều nơi trên thế giới, do có giá trị kinh tế cao. Cây có đặc điểm thân mộc, cao trung bình, ở độ tuổi trưởng thành, cây có thể cao hàng chục mét. Thân cây óng chuốt, không có gai. Lá kép dài 30–60 cm, hình lông chim, màu xanh mốc; lá chét dài 12–20 mm hình trứng, mọc đối, có 6-9 đôi. Cây trổ hoa vào các tháng 1–2. Hoa trắng kem, có cuống, hình dạng giống hoa đậu, mọc thành chùy ở nách lá, có lông tơ, nhiều mật. Quả dạng nang treo, dài 25–40 cm, ngang 2 cm, có 3 cạnh, chỗ có hạt hơi gồ lên, dọc theo quả có khía rãnh. Hạt màu đen, tròn có 3 cạnh, lớn cỡ hạt đậu Hà Lan.

Kỹ sư Nguyễn Quang Hùng, Viện Nghiên cứu và phát triển vùng, Bộ Khoa học – Công nghệ cho biết: Trên thế giới cây Chùm ngây được trồng và sử dụng phổ biến ở gần 90 nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đều đề cao cây Chùm Ngây, coi nó là cứu tinh cho người nghèo, đặc biệt ở các nước thuộc thế giới thứ 3. Một số nguồn nghiên cứu cho biết, Chùm Ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp, bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống ôxi hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan. Lá Chùm Ngây chứa nhiều dưỡng chất, tính theo trọng lượng, 100g lá Chùm Ngây tươi có hàm lượng vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần cải bó xôi, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và potassium gấp 3 lần trái chuối. Toàn bộ các phần trên cây đều có tác dụng, vì vậy, trên thế giới cây, Chùm Ngây được sử dụng làm rau ăn hàng ngày, thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm làm đẹp.

Ở Việt Nam, cây Chùm Ngây được trồng ở các tỉnh phía Nam từ nhiều năm trước, đặc biệt là ở tỉnh An Giang. Tuy nhiên, ở phía Bắc cây mới chỉ được trồng thí điểm tại Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa…Tại tỉnh ta, trên diện tích gần 400m2, ở xã Liên Châu (Yên Lạc), năm 2013, Kỹ sư Hùng trồng gần 500 cây Chùm Ngây từ hạt, với lượng phân bón là 500kg phân chuồng + 50 kg phân NPK. Sau 1,5-2 tháng từ khi trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Qua đánh giá, cây sinh trưởng và phát triển tốt, mặc dù không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng trên cây chưa phát hiện bất kỳ một loại sâu bệnh nào. Sản lượng lá tươi trung bình một năm từ 800-1.000kg/sào(360m2), giá bán hiện tại từ 60-80 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí cho thu nhập từ 40-60 triệu đồng. Như vậy, nếu tính trên diện tích 10.000m2 (1ha), cây Chùm Ngây sẽ cho sản lượng trung bình một năm từ 22-27 tấn, giá trị ước đạt từ 1,5-1,9 tỷ đồng. Hiện tại nhu cầu rau Chùm Ngây tại thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là tương đối lớn. Kỹ sư Hùng cho biết thêm: Cây Chùm Ngây rất dễ trồng, không kén đất, có thể trồng từ hạt, hom cành, hom củ và trồng được quanh năm. Cây chuộng đất ráo nước, nhiều cát, chịu được hạn hán, ưa nắng, chịu úng kém và hầu như không bị sâu bệnh hại, do đó chăm sóc cây không cần điều kiện gì đặc biệt về phân bón và nước tưới. Nếu trồng cây lấy lá thì nên trồng với mật độ 360-500 cây/sào(360m2) và tốt nhất mỗi năm nên trồng lại một lần để đảm bảo năng suất. Nếu trồng lấy củ thì nên trồng với khoảng cách 3m/cây, được khoảng 18 tháng thì bắt đầu tỉa củ, trên 36 tháng thì thu hoạch và trồng lại. Gỗ Chùm Ngây khá mềm, giòn, nên thân cành dễ bị gãy trong mưa bão. Do đó nếu trồng cây để khai thác sử dụng, người trồng thường cắt ngọn cây khi đạt độ cao nhất định, vừa tiện thu hái; vừa kích thích cây đâm chồi, nảy cành và hạn chế thiệt hại do gãy đổ.

Thời gian tới, Kỹ sư Hùng rất mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để nhân rộng mô hình trồng cây Chùm ngây ra các địa phương trong tỉnh, đồng thời, kết hợp với các doanh nghiệp để triển khai trồng với quy mô lớn, hướng đến mục tiêu xuất khẩu, cũng như sản xuất các sản phẩm thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm làm đẹp từ cây Chùm Ngây; qua đó, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Xem phóng sự "Chùm ngây trên đất Vĩnh Phúc" tại đây.

 

Theo Nguyễn Khánh - Báo Vĩnh Phúc

theo: http://crd.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/323-mo-hinh-trong-thu-nghiem-cay-chum-ngay-cho-hieu-qua-kinh-te-cao

Tin tức liên quan

Chùm ngây: Siêu thực phẩm
Chùm ngây: Siêu thực phẩm "thần dược" cho mùa dịch
Cây chùm ngây có tác dụng gì? Công dụng của cây chùm ngây
Cây chùm ngây có tác dụng gì? Công dụng của cây chùm ngây
12 lợi ích sức khỏe và làm đẹp hàng đầu của hạt chùm ngây
12 lợi ích sức khỏe và làm đẹp hàng đầu của hạt chùm ngây
Chùm ngây hỗ trợ trị viêm loét dạ dày có hiệu quả?
Chùm ngây hỗ trợ trị viêm loét dạ dày có hiệu quả?
CHÙM NGÂY PHỤC HỒI SỨC KHỎE SAU PHẪU THUẬT
CHÙM NGÂY PHỤC HỒI SỨC KHỎE SAU PHẪU THUẬT
Chùm ngây giúp bảo vệ gan khỏi tác động của thuốc Tây
Chùm ngây giúp bảo vệ gan khỏi tác động của thuốc Tây